Nhân viên nhận thưởng ra Tết xin nghỉ việc
#Kinh nghiệm quản lý nhân sự của chúng tôi 05/02/2021

Nhân viên nhận thưởng ra Tết xin nghỉ việc

Do không tìm được tiếng nói chung với sếp hoặc đã tìm được một môi trường làm việc phù hợp hơn, nhiều nhân viên đã chọn nghỉ việc ở công ty cũ nhưng vẫn cố đợi nhận được thưởng Tết rồi mới nộp đơn xin nghỉ.

 

1. Nguyên nhân là do đâu?

Việc thưởng Tết hàng năm đã trở thành thông lệ, dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều, nhưng nhân viên tin rằng đó là một khoản xứng đáng cho sau cả năm làm việc và cống hiến, mang về lợi nhuận cho công ty. Nếu nhân viên không có tiền thưởng cuối năm, hoặc quá ít, chẳng đủ bồi bổ cho sức khỏe để tiếp tục cày cuốc, có lẽ họ sẽ cảm thấy không được xem trọng và sẽ sớm tìm một tổ chức khác có đãi ngộ tốt hơn.

Đối với người chủ doanh nghiệp, họ cũng muốn nhân dịp này, sử dụng số tiền thưởng để khích lệ nhân viên và nâng cao năng suất làm việc của họ. Đồng thời giúp đỡ nhân viên có một khoản đủ lớn để thêm vào chi tiêu trong dịp nghỉ Tết dài ngày, mua quà biếu, lo sắm sửa Tết. Từ đó tạo động lực khiến nhân viên gắn bó với doanh nghiệp dài hơn.

Tuy nhiên, trước khi rời đi, nhân viên vẫn muốn có “một khoản” mà đối với họ là xứng đáng với công sức của mình. Do đó, họ sẽ đợi thưởng nhận được khoản thưởng Tết, sau đó mới dứt áo ra đi.

2. Lương và thưởng không phải vấn đề chính

Khi một nhân viên quyết tâm rời bỏ công ty, phần lớn là do họ được đãi ngộ và đối xử chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Cũng có trường hợp họ tìm thấy môi trường tốt hơn, ảnh hưởng từ gia đình, … (tuy nhiên trường hợp này là rất nhỏ). Có đến 75% số người tự nguyện nghỉ việc không phải muốn từ bỏ công việc mà vì xung đột với cấp trên và đồng nghiệp.

Có thể nhân viên không hợp với văn hóa công ty, cũng có thể người quản lý thiếu kỹ năng quản trị và thấu hiểu nhân viên của mình. Họ đã không tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ sếp – nhân viên, do đó việc nhân sự dứt áo ra đi là điều không thể tránh khỏi. Khi xung đột xảy ra, khó có thể chỉ đổ lỗi cho một bên. Là nhân viên hay là sếp, bạn cũng nên hướng cái nhìn về phía người đối diện, xem bản thân họ thực sự mong muốn điều gì.

3. Là một nhân viên, cái bạn nhận được không chỉ tính bằng tiền

Tiền để trang trải cho cuộc sống, tiền để lo ăn, lo cho bố mẹ, con cái, … vậy nếu ta đi làm mà không vì tiền, thì còn vì cái gì? Bạn nói đúng, chúng ta cần tiền để làm rất nhiều việc. Bạn đã làm việc chăm chỉ trong một năm, ngoài việc mong đợi tiền thưởng từ công ty, bạn cũng cần tổng kết xem năm ngay bản thân đã học được những gì, đã tiến bộ hơn năm trước bao nhiêu, cải thiện được những gì và đạt được bao nhiêu mục tiêu ban đầu đã đề ra.

Còn nếu đã thực sự muốn nhảy việc rồi thì quan trọng là bạn đã có việc khác tốt hơn chưa? Bạn đã muốn đi rồi thì thưởng không có còn quá quan trọng, không nên để vì vài đồng tiền thưởng mà làm chậm đi quá trình phát triển và cơ hội của bản thân. Shark Phạm Thành Hưng đã chia sẻ: “Nếu bạn cố gắng để có thưởng, kéo dài thời gian thì có thể nhận phải những đáng giá là thực dụng quá. Hãy quyết định vì những yếu tố khác, không nên ở lại hay ra đi vì tiền thưởng.”

Là một nhân viên, chúng ta đều nên hiểu rõ điều kiện của doanh nghiệp, rằng thời điểm như thế nào thì phù hợp với mức lương thưởng mà bạn mong muốn. Khi đang trong giai đoạn khó khăn, không thể yêu cầu doanh nghiệp có một mức thưởng tương xứng được. Nếu bạn tin vào sếp và cùng những người đồng đội vượt qua giai đoạn này, có thể thứ thu được không chỉ là tiền.

Xét về lâu dài, sự thăng tiến trong việc, nâng cao năng lực, mở rộng những mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm mới là những thứ giúp bạn tiến xa hơn, mang lại nhiều giá trị và tiền bạc cho bạn hơn trong tương lai. Hãy nhìn rõ tình hình hiện tại, hiểu rõ bản thân thực sự cần gì, có thể làm gì. Điều này mới là thứ quan trọng hơn tất cả.

4. Một người lãnh đạo cần thấu hiểu nhân viên của mình

Enuy Corp tin rằng mỗi chủ doanh nghiệp đều hiểu được tầm quan trọng của quản lý nhân sự trong doanh nghiệp, nhưng chưa có chiến lược cụ thể khiến nhân viên không hiểu được tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh của công ty mình đang làm việc. Điều này khiến nhân viên dễ chán nản và biết rằng có cống hiến nhiều hơn nữa cũng không được ghi nhận và biết đến.

Ở Enuy, chúng tôi xây dựng một tầm nhìn và sứ mệnh cụ thể, tạo ra cho nhân sự những cơ hội thăng tiến rõ ràng, phát triển một văn hóa cạnh tranh tranh lành mạnh và luôn yêu thương lẫn nhau. Bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ và lương thưởng rõ ràng. Sếp lắng nghe và phản hồi những ý kiến từ nhân viên, nhân viên đóng góp và đề xuất ý tưởng cho sếp. Mọi người luôn vui vẻ và tạo động lực cho nhau khi làm việc.

Người chủ doanh nghiệp nên có những hành động khích lệ nhân viên của mình một cách hợp lý và tương xứng với thành quả lao động một năm của họ:

  • Trước khi nghỉ Tết, tổ chức các cuộc teambuilding hoặc du lịch gắn kết tình đoàn kết giữa các nhân sự với nhau và giữa nhân sự với sếp.
  • Có những phần thưởng dành cho những cá nhân và tập thể ưu tú. 
  • Sử dụng hệ thống quản lý lương thưởng phù hợp, không bỏ sót những đóng góp mà nhân viên đã cống hiến cho doanh nghiệp.

Với những chia sẻ trên, Enuy mong muốn bạn, dù là nhân viên hay sếp, đều có cho mình những câu trả lời thỏa đáng về vấn đề lương và thưởng vào dịp Tết này.

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, Enuy chúc bạn có một cái cái Tết sum vầy, hạnh phúc bên gia đình và nhận được một khoản thưởng xứng đáng với công sức làm việc một năm qua nhé.

Contact Me on Zalo