Xây dựng hệ thống đào tạo và phát triển văn hoá doanh nghiệp tới toàn bộ nhân viên
Trước tiên để xây dựng hệ thống phát triển văn hóa doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp phải có một hệ thống văn hóa minh bạch, rõ ràng. Văn hóa rõ ràng về sứ mệnh, tầm nhìn (ngắn hạn và dài hạn); có giá trị cốt lõi và giá trị văn hóa. Những nội dung này cần được văn bản hóa và lưu hành trong doanh nghiệp.
Xây dựng hệ thống đào tạo văn hóa có quy trình
1. Đào tạo văn hóa
Văn hóa cần được tất cả các nhân sự trong công ty biết đến và làm theo. Do đó, việc nhân sự hiểu và áp dụng văn hóa doanh nghiệp vào công việc hàng ngày của họ là vô cùng quan trọng. Việc đào tạo văn hóa cần phải được triển khai ngay khi nhân sự đến công ty để nhân sự không những lan truyền mà còn phát triển thêm văn hóa công ty. Việc nhân sự được đào tạo văn hóa ngay từ đầu sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể định hướng hướng nhân sự mới một cách có tổ chức. Đồng thời nhân sự hiểu và yêu mến văn hóa sẽ có năng suất lao động cao hơn những nhân sự không thực hiểu và gắn bản thân vào văn hóa đó.
Ở bước này, trước tiên nhân sự sẽ tự tìm hiểu văn hóa công ty qua bản văn hóa được gửi trước buổi đào tạo. Việc này đảm bảo việc nhân viên nắm được tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi, giá trị văn hóa của công ty. Từ đó sẽ tự đánh giá mình phù hợp hay không, tiếp tục làm việc và cống hiến cho công ty hay không. Văn hóa công ty cũng chính là bộ lọc giúp các chủ doanh nghiệp chọn lựa những nhân sự phù hợp với cách thức hoạt động của công ty mình. Từ đó giảm thiểu thời gian phỏng vấn, tuyển dụng và thay thế những nhân sự không phù hợp văn hóa.
Tiếp theo nhân sự sẽ được tham gia buổi đào tạo văn hóa, ở buổi này nhân sự sẽ được giải thích rõ hơn về tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị của công ty. Nhân sự sẽ hiểu và tự trả lời được cho mình những câu hỏi cơ bản về doanh nghiệp:
Tại sao công ty lại có tầm nhìn, sứ mệnh đó?
Nó có ý nghĩa như thế nào, việc thực hiện ra sao?
Những giá trị cốt lõi của công ty có ý nghĩa gì?
Những giá trị đó tại sao lại quan trọng?
…
Lúc này, những thắc mắc hay mơ hồ của nhân sự sẽ được giải đáp, đồng thời doanh nghiệp cũng đánh giá được nhân sự có phù hợp văn hóa công ty không, có yếu tố nào thiếu để bồi dưỡng dần trong quá trình làm việc. Đối với những văn hóa đặc thù của công ty, người chủ doanh nghiệp không thể yêu cầu nhân sự của mình hiểu và áp dụng 100% văn hóa ngay lập tức. Nhân sự cần thời gian để thích nghi, học hỏi và quan sát những người đồng nghiệp của mình. Có thể đáp ứng từ 60-70% văn hóa doanh nghiệp ngay từ ban đầu thể hiện rằng đó là một nhân sự có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trong tương lai.
2. Test lại văn hóa
Để đảm bảo nhân sự đã hiểu hết văn hóa, nhân sự sẽ tự nêu ý hiểu của mình về văn hóa công ty, tự mình đánh giá và cảm nhân về văn hóa công ty có tốt hay không, có phù hợp hay không. Khi nhân sự trình bày ý hiểu của mình về các yếu tố cốt lõi, có 2 lợi ích mà người quản lý đạt được. Thứ nhất, nếu nhân sự chưa thực sự hiểu hoặc hiểu chưa đúng giá trị văn hóa, người quản lý có điều kiện để sửa chữa và định hướng đúng cho các nhân sự tương lai của mình. Thứ hai, bản thân người quản lý cũng có thể học được từ đó những góc nhìn mới để liên tục cập nhật và hoàn thiện hơn bộ văn hóa doanh nghiệp của mình.
Test lại văn hóa một lần nữa giúp nhân sự thấm nhuần văn hóa công ty nơi mình sắp làm việc và cống hiến. Khi gặp được một văn hóa phù hợp, nhân sự có thể thỏa sức thể hiện những điểm mạnh của mình.
3. Duy trì văn hóa
Điều khó khăn nhất có lẽ chính là ở bước duy trì. Văn hóa là thứ khó có thể đo lường được bằng các chỉ số. Chỉ bằng cách thực hiện và áp dụng, lan tỏa từ người chủ doanh nghiệp đến những người trưởng phòng, quản lý và đến nhân sự, văn hóa mới thực sự được duy trì. Có nhiều cách để duy trì văn hóa doanh nghiệp:
– Thường xuyên nhắc lại, lan truyền và vận dụng văn hóa vào trong công việc: đưa nó thành các cuộc thi, các hoạt động truyền thông văn hóa nội bộ để nhân sự thường xuyên được nhắc lại và ghi nhớ. Luôn luôn nhắc lại và ghi nhớ chính là cách giúp văn hóa doanh nghiệp tồn tại một cách khỏe mạnh và tự nhiên. Có những giá trị văn hóa vô hình cần được lặp đi lặp lại như tính trung thực, kỹ năng tư duy vượt kỳ vọng hay lòng biết ơn.
– Sử dụng các hạt giống văn hóa tốt: gieo mầm và sử dụng tốt các hạt giống (như Trưởng phòng marketing, leader) để lan truyền văn hóa trong team một cách tự nhiên và thường xuyên cho nhân sự. Người quản lý, lãnh đạo cấp trung chính là cầu nối tốt nhất giữa văn hóa và các nhân sự mới. Đồng thời, các trưởng phòng và leader luôn có trách nhiệm nhắc lại và thường xuyên giám sát mức độ “hiểu” văn hóa của những nhân sự phía dưới mình.
– Tổ chức các hoạt động vinh danh văn hóa để nhân sự thấy được tầm quan trọng cũng như được ghi nhận khi thực hiện tốt và rèn luyện tốt văn hóa doanh nghiệp. Hãy để nhân sự hiểu được nếu họ áp dụng tốt văn hóa vào công việc và gặt hái được những kết quả vượt trội, họ sẽ nhận được những phần thưởng và lời khen xứng đáng.
Xây dựng, phát triển và duy trì văn hóa doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào đang trong giai đoạn đi lên và chiếm lĩnh thị trường. ENUY hy vọng với thông tin trên có thể giúp chủ doanh nghiệp hiểu và áp dụng trong quá trình tạo ra bộ văn hóa doanh nghiệp của riêng mình. Chúc doanh nghiệp của bạn luôn phát triển!